Trường Dục Thanh – nơi lưu dấu kỉ niệm của thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành

  • 29-08-2023

Nói đến Phan Thiết, người ta thường nghĩ ngay đến những bãi biển xanh rì, hàng dương thơ mộng hay những đồi cát mênh mông bao la, và khi đến Phan Thiết còn một địa điểm lịch sử vô cùng nổi tiếng gắn liền với cuộc đời của Bác Hồ đó chính là trường Dục Thanh

Trường Dục Thanh ở đâu 


Ngôi trường tọa lạc tại làng Thành Đức, nay là số 39 đường Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, Phan Thiết. Ngôi trường được xây dựng ngay bên bờ sông Cà Ty xinh đẹp hiền hòa.
Trường Dục Thanh hay Dục Thanh Học hiệu (viết tắt của: Giáo Dục Thanh Thiếu Niên) là một ngôi trường do các sĩ phu yêu nước ở Phan Thiết, Bình Thuận sáng lập năm 1907 để hướng ứng phong trào Duy Tân do các cụ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng tại Trung Kỳ thời bấy giờ.
Kinh phí xây dựng trường do một phú gia yêu nước là ông Huỳnh Văn Đẩu và Liên Thành Thương Quán tài trợ. Toàn bộ học sinh theo học tại đây đều không phải đóng tiền xây trường và học phí.
Đây cũng là ngôi trường mà Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã dừng chân dạy học một thời trước khi vào Sài Gòn rồi xuất ngoại.
Trường Dục Thanh có gì hấp dẫn du khách
Độc đáo kiến trúc ngôi trường trăm tuổi


Trải qua những thăng trầm của thời gian, kiến trúc ngôi trường vẫn còn nguyên vẹn với cánh cổng bằng gỗ ngôi trường nằm cạnh dòng sông Cà Ty hiền hòa như một minh chứng hào hùng về lịch sử. 
Hàng cây xanh trong khuôn viên trường là điểm nhấn tạo nên cảnh quang tươi mát. Ngôi trường với cấu trúc 2 nhà lớn bằng gỗ và 1 lầu nhỏ, hai nhà lớn được dùng làm phòng học, vẫn còn 2 bảng đen và những bộ bàn ghế được đặt trong phòng. 

Ngoài ra còn có Nhà Ngư, trước kia là nơi chứa các ngư cụ như lưới bắt cá, làm mắm của gia đình cụ Nguyễn Thông được xây từ năm 1906. Đến một năm sau, thì trường Dục Thanh ra đời, nên nơi đây được trưng dụng thành khu nhà nội trú của các thầy và trò ở các tỉnh xa đến. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành cũng đã từng sinh sống tại đây.
Phía sau phòng học là Ngọa Du Sào. Đây là nơi bàn việc, tiếp khách quý, luận đàm văn thơ của các thầy giáo, nhà nho và sĩ phu yêu nước. Những bộ bàn ghế cổ trong những khu nhà gần như vẫn được gìn giữ nguyên vẹn.

Phía sau Ngọa Du Sào, du khách sẽ được ghé thăm một giếng nước cổ được xây dựng bằng gạch. Gần giếng nước là cây khế trăm tuổi do chính tay cụ Nguyễn Thông trồng vẫn xanh tốt quanh năm. 


Tìm hiểu về quãng thời gian dạy học của Bác Hồ
Trường Dục Thanh thời kỳ đó là điểm tụ của các sĩ phu yêu nước, những tài năng và những tâm hồn đam mê tiến bộ. Đây cũng là nơi chứa đựng những bước chân đầu tiên của Nguyễn Tất Thành - người thanh niên tài năng và đầy ái quốc. Sau khi trường ra đời được 3 năm, bạn thân của Nguyễn Sinh Sắc giới thiệu Bác đến với việc giảng dạy tại nơi này. Kể từ đó, chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành, với tuổi đôi mươi, đã trở thành thầy giáo trẻ nhất của ngôi trường này.


Thầy Thành chịu trách nhiệm dạy môn Quốc Văn, Hán Văn và kiêm nhiệm môn thể dục. Khi giáo viên Pháp Văn vắng mặt, thầy Thành đảm nhận dạy luôn là tiếng Pháp. Trong thời gian dạy học ở ngôi trường này, thầy giáo thành đã truyền cho những học trò của mình lòng yêu quê hương đất nước. Vào giờ ngoại khóa, thầy thường dẫn học trò đi tham quan các cảnh đẹp của Phan Thiết.


Vào tháng 2 năm 1911, thầy giáo Thành đã rời trường Dục Thanh đến Sài Gòn để đi tìm đường cứu nước. Tại đây, những kỷ vật quý như bộ trường kỷ Bác từng ngồi, bộ ván gỗ Bác từng nằm, chiếc tủ đứng Bác từng đựng tư trang, nghiên mài mực, ly uống nước… của Bác vẫn được lưu giữ một cách đầy trân trọng.