Travel and Foods

Cung An Định – Sự xa hoa bên dòng An Cựu

Viantravel
Last updated 26-05-2023

Cung An Định như một tòa lâu đài Châu Âu cổ kính diễm lệ, công trình mang kiến trúc độc đáo khác hẳn với các kiến trúc khác trong quần thể di tích Cố đô Huế.

Đôi nét về cung An Định
Trước kia, cung An Định có tên là phủ An Định, một công trình kiến trúc bằng gỗ trong Kinh thành. Phủ được xây dựng vào năm 1902, là nơi ở riêng của hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo sau nay là vua Khải Định.


Cung An Định nằm bên trái phủ thờ Kiên Thái Vương là người đã sinh ra 3 vị vua là Đồng Khánh, Kiến Phúc và Hàm Nghi. Tại nơi này, hoàng tử Bửu Đảo đã sinh ra người con trai duy nhất là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, sau này trở thành vua Bảo Đại. 


Lúc bây giờ, sau khi đăng quang, vua Khải Định đã dùng tiền riêng để cải tạo phủ An Định, mục đích mở rộng khuôn viên và xây dựng thêm một số công trình nhằm kỉ niệm nơi nhà vua sinh trưởng và để ban tặng cho hoàng tử Vĩnh Thụy.


Thời gian cải tạo và xây dựng lại khuôn viên kéo dài trong hai năm 1917 – 1918. Lúc này, tên gọi “phủ” được đổi thành “cung”, từ đó có tên gọi chính thức là cung An Định


Từ khoảng thời gian hoàng tử Vĩnh Thụy được ngôi kế vị lấy niên hiệu là Bảo Đại đến khi thoái vị vào năm 1945, cung An Định thường được sử dụng như một biệt cung hoa lệ để tổ chức những cuộc tiếp tân trọng thể của triều đình với sự tham dự của thân quyến hoàng gia, đình thần quan chức Pháp. 


Sau ngày vua Bảo Đại thoái vị, toàn bộ gia đình nhà vua chuyển qua sống trong cung An Định, riêng mẹ của vua thì lưu trú tại đây cho đến năm 1949, khi Bảo Đại trở về nước làm Quốc trưởng.


Kiến trúc cung An Định
Cung An Định theo kiến trúc tân – cổ điển đầu thế kỷ 20, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Khi còn nguyên vẹn, cung có khoảng 10 công trình lớn nhỏ. Đến thời điểm hiện tại, cung chỉ còn lại ba công trình là cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường.


Cổng chính cung An Định được xây dựng theo lối tam quan bằng gạch, đắp nổi bằng sành sứ thủy tinh rất công phu. Các họa tiết trang trí quen thuộc như rồng, hổ, phượng… Vòm cổng đắp nổi ba chữ “An Định cung”, và còn có cặp trụ giả được đắp nổi phong cách Roman.


Nổi bật nhất là lầu Khải Tường có kiến trúc âm hưởng Châu Âu. Tên “Khải Tường” được chính vua Khải Định đặt với mong ước đây sẽ là nơi khởi phát điềm lành. 
Đại sảnh lầu Khải Tường rất nổi bật với sáu bức tranh tường sinh động về sáu lăng tẩm: từ lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh và chính lăng vua Khải Định.


Ngoài ra còn rất nhiều khu vực khác để khách du lịch có thể tham quan và chụp cảnh. Tại đây khách du lịch có thể mặc áo dài và hóa thân thành tầng lớp quý tộc như ngày xưa để thử tìm về một thời vàng son rực rỡ. 
 

logo
Hỗ trợ
19003072
info@viantravel.com